Quy trình lắp đặt kho lạnh

2022-05-09 09:11:13

Bước 1: Chuẩn bị mặt bằng nền kho lạnh, kiểm tra độ bằng phẳng của nền kho lạnh

  • Dùng ti ô nước kiểm tra mặt phẳng của nền kho lạnh.
  • Nếu có nhiều vị trí không phù hợp và độ cao thấp sai lệch lớn hơn 5mm thì tiến hành chỉnh sửa, khắc phục các sai lệch đó tránh gây trở ngại cho việc lắp đặt Panel sau này.
     

Bước 2: Lắp đặt vỏ kho lạnh

1. Phần nền (đối với kho nền bê tông)

Cần lấy dấu, khoan bê tông, bắn tắc kê gắn các thanh U hoặc L theo bản vẽ nền kho đã được cung cấp.

Chống thấm ẩm và cách nhiệt nền:

  • Chống thấm ẩm: dùng bitum, tấm nylon và giấy dầu để đảm bảo liền mạch, bố trí từng lớp theo đúng như bản vẽ thiết kế.
  • Cách nhiệt nền: cách nhiệt nền bằng các tấm PU hoặc EPS xếp sát nhau.
     

–     Cố định các ống luồn điện trở sưởi nền ngay vị trí cửa kho lạnh theo bản vẽ thiết kế.

* Đối với nền có con lươn thì phải chuẩn bị lắp đường ống nước xả trước khi lắp panel nền (ống xả đá và xả đáy).

Quy trình lắp đặt kho lạnh

Con lươn nền kho lạnh

2. Lắp đặt hệ thống treo trần (dành cho các kho lạnh lớn: có chiều dài Panel trần >=3.6m)

Lắp đặt hệ thống treo trần theo đúng bản vẽ chi tiết do Ban Kỹ thuật của Công ty ban hành.

  • Panel trần kho lạnh được treo lên khung dàn treo trần của kho lạnh.
  • Trước khi lắp đặt Panel cần kiểm tra độ vững chắc của khung, độ cao của khung có phù hợp với độ cao phủ bì của kho lạnh không, xác định các vị trí để treo móc lắp đặt hệ thống treo trần theo đúng bản vẽ đã thiết kế.
     

3. Lắp đặt Panel :

Panel lắp kho lạnh là những tấm cách nhiệt PU, được phun đồng đều, kết dính chặt giữa hai mặt bằng Tole chống rỉ Colorbond (hoặc Inox). Các Panel được liên kết với nhau bằng các khoá Camlock.

Yêu cầu lắp panel luôn đảm bảo khe hở 2 gờ tole giữa 2 tấm panel từ 3 ~ 5mm. Các khóa camlock (nếu có) đều phải được siết chặt.

Quy trình lắp đặt kho lạnh

Liên hệ để nhận báo giá thiết bị kho lạnh mới nhất

3.1. Đối với kho nền bê tông:

Việc lắp đặt tương tự như kho có panel nền, cần lưu ý thêm một số yêu cầu như sau:

  • Đối với kho lạnh chiều cao hơn 8m, mỗi tấm panel tường phải cố định với thanh sắt C của khung nhà bằng bu lông dù theo bản vẽ thiết kế.
  • Để đảm bảo sự liên kết chặt giữa các tấm panel tường- trần, nên dùng các thanh V tole tráng kẽm dài 200mm bắn rivet định vị mặt trong và ngoài của các mối ghép của từng cặp panel. Khi khoảng tường hoặc trần lắp ráp đã dài bằng thanh nhôm (hoặc tole) góc theo thiết kế thì thay các thanh V này.
  • Các tấm panel trần được đưa lên vị trí treo trần bằng thiết bị nâng chuyên dùng (với kho cao >6m), kê kích ổn định, chắc chắn trước khi lấy dấu, khoan lỗ, bắn rivet vào hệ thống treo trần.
     

3.2. Đối với kho có panel nền:

Việc lắp panel tường, trần và nền có thể tiến hành đồng thời (lắp đuổi) và panel tường được bắt đầu lắp từ góc kho trở đi. Sau khi lắp được từ 3 đến 5 tấm panel phải kiểm tra tổng chiều dài để hiệu chỉnh cân bằng chiều dài trần và tường kịp thời.

Chú ý: khi lắp đặt các tấm panel vách ngăn & tấm góc khép kín kho, phải đổ foam 2 đầu vách thật kỹ đảm bảo không bị bọng.

Liên kết camlock giữa các panel có 3 loại:  liên kết Panel Tường – Trần, liên kết Panel Tường – Tường (Góc) và Liên kết panel – Tường – Nền.

Lắp Panel tường và Panel trần đồng thời.  Panel tường (trần) và Panel tường (trần) được liên kết với nhau theo gờ âm – dương và khóa camlock.

Trong quá trình lắp ráp, để đảm bảo liên kết chặt chẽ giữa các tấm Panel tường –  trần, dùng các thanh V tole 40 x 40 x 2 mm dài 200 mm bắn rivet định vị mặt trong và mặt ngoài của các mối ghép của từng cặp tấm Panel. Khi khoảng tường và trần lắp ráp đã dài bằng thanh nhôm V 60 x 50 x 2 mmT thì thay các thanh V định vị bằng các thanh nhôm.

Trong quá trình lắp ráp, luôn đảm bảo khe hở giữa 2 tấm Panel từ 3 đến 5 mm. Các tấm Panel được bắn hai đường Sealant ở hai bên mép gờ dọc theo chiều dài của Panel trước khi xiết khoá Camlock. Các bộ khoá Camlock âm (-) và dương(+) được siết chặt với nhau.

4. Lắp thanh góc và bắn silicone:

Quá trình lắp thanh góc cần phải áp sát vào bề mặt panel, rút rivet cách khoảng 200 ~ 250mm/con. Góc giáp mí của thanh góc về phía trần và nền phải được vát 450, bề rộng của các thanh góc phải đối xứng, đều nhau.

Quy trình lắp đặt kho lạnh

Sử dụng silicone làm kín các khe hở, mối ghép toàn bộ kho: silicone sử dụng là loại silicone chịu lạnh, đóng rắn bằng acid hoặc trung tính:

  • Silicone màu trắng đục: dùng cho kho có panel bọc tole colorbond hoặc tole pvc, composite.
  • Silicone loại trong suốt: dùng cho panel bọc inox.
     

Trước khi bắn silicone vào khe hở giữa 2 tấm panel, nhất thiết phải bóc màn pe bảo vệ 2 bên khe hở. ngoài ra, đối với panel tường có thể dán băng keo giấy W12 vào 2 bên khe hở trước khi bắn (sau đó gở bỏ) để đường silicone được thẳng, sắc sảo, thẩm mỹ hơn. Nếu không thì phải dùng tay và giẻ lau miết cho sắc cạnh. Đảm bảo sạch sẽ khi đổ foam các liên kết góc panel theo thiết kế.

Lưu ý: với kho lạnh công nghiệp không bắn silicone ở mối ghép vách bên trong kho lạnh nhằm đảm bảo khả năng rút ẩm trong panel khi hệ thống lạnh hoạt động.

Bước 3: Gắn cửa kho lạnh

Cửa kho lạnh có 2 loại cửa bản lề và cửa trượt. Phù hợp vào nhu cầu sử dụng và không gian lắp đặt kho để lựa chọn loại cửa cho phù hợp.

Quy trình lắp đặt kho lạnh

Chú ý khi lắp đặt cửa bản lề

  • Đảm bảo khoá – bản lề khi lắp phải chắc chắn ( khi đóng – mở cửa phải nhẹ nhàng thoải mái)
  • Joint lạnh phải kín, không làm thoát hơi ra bên ngoài.
  • Điện trở sưởi phải luôn luôn hoạt động tốt khi kho vận hành
     

Chú ý khi lắp đặt cửa trượt

  • Cơ cấu trượt phải thật cứng vững và sự trượt được nhẹ nhàng.
  • Các tay đẩy phải chắc chắn.
  • Joint lạnh phải kín, không làm thất thoát hơi lạnh ra bên ngoài.
     

Bước 4: Lắp đặt đường ống

Trước khi lắp đặt thì các ống đồng phải được vệ sinh sạch bên trong và bên ngoài trước khi lắp vào hệ thống. Phải bảo quản sạch sẽ trước khi dùng. Các đường ống phải đi song song hoặc vuông góc với nhau và với kết cấu xây dựng như : tường, trần, vv…

Đường ống phải được cố định chặt trên các giá đỡ, ở phía dưới có đệm gỗ, cao su chịu nhiệt hoặc PU có độ dày tương ứng với chiều dày bọc cách nhiệt, các giá đỡ phải được sơn chống sét. Trường hợp dùng superlon thì không cần đệm dưới. Khoảng cách các giá đỡ tùy thuộc vào đường kính ống: D > 42mm là 3m, D < 42mm là 2.5m.

Các đường ống phải được bọc cách nhiệt bằng superlon hoặc đổ foam với độ dày đúng theo bản vẽ qui định, đảm bảo thẩm mỹ.

Bước 5: Lắp đặt hệ thống lạnh (Cụm máy nén, dàn lạnh)

  • Phải lắp đúng và đủ các thiết bị theo sơ đồ nguyên lý & bản vẽ bố trí thiết bị.
  • Cụm máy nén dàn ngưng, bơm nước, tháp giải nhiệt phải được lắp trên khung sắt hay móng bê tông cao từ 150mm trở lên. Khung hay móng bê tông phải bằng phẳng và phải có rãnh thoát nước.
  • Đối với dàn ngưng giải nhiệt gió hay tháp giải nhiệt phải đặt cách tường tối thiểu 200mm.
  • Đối với dàn ngưng giải nhiệt nước khi lắp đặt ở hai đầu dàn ngưng phải cách tường tối thiểu là 500mm.
  • Phải làm bao che hoặc mái che bảo vệ cho cụm máy, bơm nước giải nhiệt trong trường hợp đặt ngoài trời.
  • Máy nén nên đặt thấp hơn dàn lạnh. Nếu máy nén đặt cao hơn dàn lạnh thì cứ mỗi 2m độ cao phải lắp bẫy dầu.
     

Quy trình lắp đặt kho lạnh

  • Nếu hệ thống đấu song song nhiều dàn lạnh thì đường ống hút nhánh của từng dàn lạnh phải gắn phía trên đường ống hút chính cao hơn từ 150mm trở lên.
  • Các đường ống nước giải nhiệt hay ống nước lạnh lắp đặt sao cho không tạo thành các bẩy hơi.
  • Đường ống xả nước dàn lạnh nằm trong kho phải đảm bảo độ dốc lớn hơn 15%. Nên đi thẳng ngay ra ngoài kho để tránh bị đông đá. Bên ngoài phải làm bẫy nước (con thỏ).
  • Với kho âm, đường ống xả nước phải được bọc cách nhiệt và đặt dây điện trở xả ống bên trong ống, chiều dài dây điện trở phải ra khỏi vách panel từ 100mm – 150mm.
  • Thử bền & thử kín hệ thống bằng khí nitơ. .
  • Bảo vệ cẩn thận các thiết bị trong suốt quá trình thi công lắp đặt tránh mất mát và hư hỏng thiết bị.
     

Bước 6: Lắp đặt tủ điện điều khiển

  • Hệ thống điện phải lắp đúng theo bản vẽ bố trí thiết bị điện và bản vẽ nguyên lý điện. Chú ý dùng kích cỡ dây cho đúng, kiểm tra chiều dài trước khi cắt.
  • Tủ điện phải lắp nơi thoáng mát, không ẩm ướt, tiện lợi khi vận hành, nếu đặt trên khung sắt thì chiều cao khung cách nền 300mm trở lên sao cho thuận tiện thao tác khi vận hành.
  • Dây điện phải được đi trong ống điện hoặc thang điện & phải được sắp xếp ngay ngắn, cố định vào thang bằng dây rút.
     

Quy trình lắp đặt kho lạnh

  • Đường dây điện không được đi ngang qua khu vực có nguồn phát nhiệt cao. Các ống điện lắp ngoài trời phải lắp đặt sao cho nước không ngưng đọng trong ống hay lọt vào thiết bị.
  • Các đầu cos phải được bấm chắc chắn vào dây điện, độ lún của đầu cos bấm không sâu hơn 1/4 lỗ cos.
  • Các dây dẫn khi nối với nhau phải nối bằng cos nối hoặc domino và phải được quấn băng keo cách điện cẩn thận.
  • Các đầu dây phải đánh số phân biệt đầy đủ theo bản vẽ để dễ sửa chữa.
     

Bước 7: Hoàn thiện – kiểm tra kho lạnh

  • Gắn hoàn thiện các thanh V nhôm cho các mối ghép cạnh góc (tường – trần, tường – tường) trong và ngoài kho, các nút lổ khoá Camlock
  • Lắp các loại cửa kho lạnh theo bản hướng dẫn lắp ráp của nhà sản xuất.
  • Gắn các phụ kiện kho như van cân bằng, đồng hồ nhiệt độ, chuông báo động đèn kho lạnh, công tắc chuông, đèn …đủ số lượng, chủng loại và đúng vị trí  theo bản vẽ thiết kế.
  • Kiểm tra các mối ghép toàn bộ kho, bắn silicone các khe hở.